Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Hòa - Vĩnh Linh

Đất và Người Vĩnh Hòa

Chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  8:10, Thứ Năm, 26-10-2023

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được nhân rộng, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ đây nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên có thu nhập khá, ổn định cuộc sống, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Anh Trần Minh Đức, hội viên Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh là một trong những điển hình như thế.

 

 

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, trước đây, gia đình anh Trần Minh Đức, thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mặc dù đất đai nhiều song do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn. Từ khi được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tham gia các lớp chuyển giao KHKT, đã giúp anh thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế, ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

 

Theo chia sẻ của anh Đức, trước đây gia đình anh đã từng canh tác khá nhiều diện tích hồ tiêu, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhất là thời tiết diễn biến phức tạp, năng suất tiêu ngày càng thấp. Đặc biệt từ khoảng năm 2017, dưới tác động của thị trường tiêu thụ, giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, khiến cho anh đôi lúc không còn mặn mà với loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn được xem là “vàng đen”. Nhưng cứ nghĩ đến việc phải phá bỏ các vườn tiêu đã mất rất nhiều công sức chăm sóc lại không nỡ lòng.

 

Được biết đến quy trình sản xuất tiêu hữu cơ, chính vì vậy, trong thời gian này anh đã cất công tìm hiểu và ấp ủ dự định mở hướng sản xuất mới cho vườn tiêu của gia đình. Đầu năm 2018, khi chính quyền địa phương liên kết với Công ty Oganic More, thành phố Hồ Chí Minh, anh đã được tham gia tập huấn về kỹ thuật chăm sóc. Đặc biệt công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường nếu đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Từ đây, ý định của anh đã được hiện thực hóa với bước khởi đầu canh tác khoảng 0,5 ha tiêu theo hướng hữu cơ.

 

Anh Đức cho biết: “Cái được lớn nhất của mô hình này là trang bị những kiến thức mới về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Khi sản phẩm đáp ứng được các chỉ tiêu từ công ty sẽ được thu mua với giá ưu đãi cao hơn so với thị trường. Hiện nay, giá thu mua tiêu trên thị trường chỉ khoảng từ 60 đến 70 ngàn đồng/kg tiêu khô. Nhưng với sản phẩm tiêu hữu cơ, thì chúng tôi được công ty mua cao hơn 10 giá. Riêng năm 2023, trên diện tích này, tôi thu được 1,1 tấn tiêu khô. Giá mua từ công ty 80 ngàn đồng/kg, gia đình tôi có nguồn thu nhập khá”.

 

Xác định gắn bó với nông nghiệp thì đa cây đa con sẽ là lựa chọn tốt cho kinh tế gia đình nên ngoài cây Hồ tiêu, anh Đức còn phát triển nghề nuôi ong truyền thống ở địa phương. Anh Đức chia sẻ: “ Với mong muốn tiếp tục phát huy nghề nuôi ong truyền thống ở địa phương và tận dụng lợi thế ở cạnh rừng nguyên sinh Rú Lịnh, gia đình tôi bắt đầu nuôi ong lấy mật khoảng 7 năm trước, nhưng chỉ nuôi với số lượng ít để phục vụ gia đình. Trong đó có nhiều đàn ong được bắt từ tự nhiên. Tuy nhiên, ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật, một số đàn ong lần lượt tách đàn, bay đi mất. Không nản chí, tôi quyết tâm học hỏi về kỹ thuật nuôi và tìm hiểu về đặc tính của loại ong. Tiếp đó, theo lời giới thiệu của những hộ dân đã thành công với nghề, tôi trực tiếp ra tận huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội để mua con giống đảm bảo chất lượng về nuôi”.

 

Nhờ nắm vững về kỹ thuật nuôi, chia đàn, nhân giống dần dần, đến nay gia đình anh có hơn 50 đàn ong tương đương 50 thùng ong, mỗi thùng có khoảng 5-7 cầu ong. Theo anh Đức, nuôi ong là hướng đi hiệu quả bởi nghề này giúp tận dụng được hết những yếu tố có sẵn từ thiên nhiên. Quá trình nuôi, vào mùa nắng nóng hay mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, ong không đi kiếm ăn được thì phải chăm sóc tỉ mỉ, nhiều công hơn để đảm bảo sức khỏe cho đàn ong. Nhưng bù lại chi phí nuôi thấp, lợi nhuận cao, người nông dân rất phấn khởi.  

 

Theo chia sẻ của anh Đức, bình quân mỗi đàn ong thu được 7 lít mật/năm, giá bán 600 nghìn đồng/lít. Với tổng số 50 đàn ong, gia đình anh Đức thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Với những mô hình kinh tế này, anh Trần Minh Đức trở thành một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào chủ động làm kinh tế giỏi ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh.

 

Nhận xét về hội viên Trần Minh Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa, Trần Văn Hưng chia sẻ: “Với quyết tâm, chịu khó tìm tòi, học hỏi trong phát triển kinh tế, anh Trần Minh Đức đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Mô hình kinh tế của anh không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình mà còn là động lực, sức lan tỏa để người dân điạ phương học tập, thi đua phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương”.

Nguồn: Cổng thông tin huyện Vĩnh Linh

CÁC TIN KHÁC

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH