Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Hòa - Vĩnh Linh

Cải cách hành chính

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là gì? Biện pháp nào bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở?


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  02/06/2023

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là gì?

 

Căn cứ tại khoản 2 Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 định nghĩa thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở là những biện pháp nào?

Căn cứ tại Điều 8 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm có:

- Thứ nhất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

- Thứ tư, kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Cuối cùng, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.

Hành vi nào bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở?

Căn cứ tại Điều 9 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định 05 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở cụ thể:

- Thứ nhất, gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Thứ hai, bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Thứ ba, lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Thứ tư, lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức.

- Thứ năm, giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.

Trong thực hiện dân chủ ở cơ sở công dân có quyền như thế nào?

Căn cứ tại Điều 5 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

- Công dân được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

- Ngoài ra, công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Trong thực hiện dân chủ ở cơ sở công dân có trách nhiệm như thế nào?

Căn cứ tại Điều 6 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định trong thực hiện dân chủ ở cơ sở công dân có trách nhiệm như sau:

- Thứ nhất, công dân phải tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Thứ hai, công dân phải tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Phải chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.

- Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Ngoài ra, công dân cần tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023

CÁC TIN KHÁC
Hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân. (01/06/2023)
Triển khai thực hiện mô hình điểm về Đề án 06 (24/05/2023)
Thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong giải quyết thủ tục hành chính (19/05/2023)
Sử dụng chức năng quét mã QR code trên thẻ CCCD gắn chíp trong giao dịch hành chính và trong khám, chữa bệnh (15/05/2023)
VNeID là gì? Một số chức năng trên ứng dụng VneID và cách cài đặt sử dụng ứng dụng VNeID của Bộ Công an. (19/04/2023)
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (17/04/2023)
Chuyển đổi số là gì và tại sao phải chuyển đổi số? (17/04/2023)
Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (17/04/2023)
Lợi ích của việc tiếp nhận hồ sơ ,trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công (17/04/2023)

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH