Xem chi tiết giới thiệu - Xã Vĩnh Hòa - Vĩnh Linh

GIỚI THIỆU VỀ XÃ VĨNH HÒA

 

Vĩnh Hoà là một xã thuộc vùng đất đỏ ở vùng Đông huyện Vĩnh Linh. Phía Bắc giáp  xã Vĩnh Nam; Phía Nam giáp xã Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm; Phía Đông giáp xã Vĩnh Hiền; Phía Tây giáp thị trấn Hồ Xá và một phần đất của xã Vĩnh Nam. Diện tích đất tự nhiên 1507,27 ha, có 4 thôn với tổng số hộ là 1105 hộ và 4149 nhân khẩu.

 

Là vùng gò đồi đất đỏ bazan màu mỡ, Vĩnh Hoà có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi, kể cả chăn nuôi đại gia súc. Trong trồng trọt thì ngoài cây lương thực lúa, màu, Vĩnh Hoà có điều kiện phát triển mạnh cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: lạc, vừng, ớt, dâu tằm, cao su, hồ tiêu, chè, cà phê,... cùng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác.

 

Ở đây có cả khu rừng nguyên sinh Rú Lịnh rộng trên 95 ha, với nhiều loại gỗ và chim thú quý hiếm. Chỉ cách biển Cửa Tùng chưa đẩy 5 km, Rú Lịnh chẳng khác nào một thảo cầm viên được thiên nhiên ban tặng cho các xã khu Đông Vĩnh Linh. Trong lòng Rú Lịnh có giếng nước mội Ba Vòi trong lành, ngọt lịm, mát rượi về mùa hè, ấm nóng về mùa đông, chảy suốt quanh năm, là nguồn nước tưới cho cả diện tích lúa màu, cây trái các xã lân cận. Rú Lịnh là điểm du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương.

 

* Lịch sử hình thành xã Vĩnh Hoà

 

Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, tháng 12 âm lịch năm 1835, vua Minh Mạng chia huyện Minh Linh thành 2 huyện: Minh Linh và Địa Linh. Đời Hàm Nghi năm Ất Dậu 1885 vì huý chữ Minh nên đổi Minh Linh thành Chiêu Linh. Đến năm Thành Thái thứ nhất (1889) lại huý chữ Chiêu nên đổi tên huyện Chiêu Linh thành huyện Vĩnh Linh cho đến khi Pháp đặt nền đô hộ lên nước ta. Huyện Vĩnh Linh gồm 5 tổng: Tổng Hiền Lương, tổng Thuỷ Ba, tổng Huỳnh Công, tổng Hồ Xá, tổng Liêm Công. Vĩnh Hoà nằm trong tổng Hiền Lương theo trục Quốc lộ 1A có Đơn Duệ, Thạnh Mỹ, Châu Thị đến Liêm Công Tây, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thành.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Hoà nhiều lần hợp lại, chia ra mang nhiều tên khác nhau. Mãi đến sau ngày 20/7/1954, theo Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc, Vĩnh Hoà mới được hình thành và có tên gọi từ đó đến nay.

 

* Cùng với vị trí địa chính trị - kinh tế - xã hội, trải qua bao biến thiên của lịch sử đã hun đúc nên những phẩm chất đáng quý của con người Vĩnh Hoà

 

Là một bộ phận của dân tộc Việt Nam anh hùng, nhân dân Vĩnh Hoà có truyền thống đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, chống áp bức bóc lột và bất công xã hội. Từ ngày tự nguyện đứng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, truyền thống đó của Vĩnh Hoà càng được phát huy cao độ, thành sức mạnh to lớn có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách gian khổ và hiểm nghèo. Trong hai cuộc trường chinh, chiến đấu giành lại quyền độc lập, tự do với 2 Đế quốc Pháp và Mỹ, người dân xã Vĩnh Hoà luôn bất chấp bom đạn hủy diệt của quân thù, bền gan vững chí biến quê hương thành luỹ thép, thành biểu tượng chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

 

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, từ chiến hào địa đạo bước lên, từ mất mát đau thương đứng dậy, Nhân dân Vĩnh Hoà luôn đoàn kết một lòng, đồng cam cộng khổ, vượt lên giữa muôn vàn khó khăn gian khổ chồng chất, xây dựng lại cuộc sống trên đống tro tàn đổ nát, hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng lại quê hương, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống, phát triển văn hoá giáo dục, làm tốt công tác chính sách xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và quốc phòng- an ninh.

 

Ngày nay Vĩnh Hoà là địa phương có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước nhiều trí thức, nhiều nhân tài có học vị cao từ Tiến sĩ đến Thạc sĩ, cử nhân. Nhiều người là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học, kỹ sư, bác sỹ... làm việc trong và ngoài nước; các sỹ quan hàm Đại tá, Thượng tá... trong Quân đội và Công an nhân dân.

 

* Những thành tích nổi bật

 

Với những thành tích lớn lao và những hy sinh cao cả của biết bao người con ưu tú của xã Vĩnh Hòa trải qua 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, Vĩnh Hoà đã được Đảng và Nhà nước biểu dương ghi nhận với những phần thưởng cao quý.

 

- Tháng 6/1947: Thư khen của Chính phủ vì đã hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

 

- Năm 1948: Liên khu 4 tặng Cờ luân lưu về thành tích rào làng chiến đấu.

 

- 2 Huân chương Lao động hạng nhì và ba.

 

- 1 Huân chương kháng chiến.

 

- 1 Huân chương Chiến thắng.

 

- 1 Huân chương Giải phóng.

 

- 1 Huân chương Quân công hạng nhì.

 

- 4 Cờ luân lưu của Chính phủ.

 

- 4 Cờ luân lưu của Quân khu 4.

 

- 18 Bằng khen của Chính phủ và Quân khu cho tập thể.

 

- 6 năm liền từ 1965 đến 1971 là đơn vị quyết thắng.

 

- 7 Huân chương cho cán bộ, chiến sỹ.

 

- 1.109 Huân, Huy chương kháng chiến chông Pháp và chống Mỹ cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.

 

- 58 bà mẹ được truy và phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

 

- 238 liệt sỹ, 115 thương, bệnh binh trong 2 cuộc kháng chiến.

 

- Ngày 30/4/2001: Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Hoà được phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

- Năm 2019- 2022, xã Vĩnh Hoà vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua cho nhân dân và cán bộ xã là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua.

 

Với truyền thống hào hùng của xã nhà, trong những năm tới, trước thời cơ và vận hội mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Hòa phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết một lòng, rèn luyện và giữ vững bản lĩnh, nâng cao tầm trí tuệ, chung sức chung lòng, đồng tâm hiệp lực, nổ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, vững bước tiến lên trên con đường phát triển.

 

Những tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động mở ra những hướng đi mới, bước đi mới trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Với những tiềm năng và lợi thế đó Đảng bộ và nhân dân quyết tâm xây dựng Vĩnh Hòa sớm trở thành xã Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

 

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Hoà

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH