Nhiều năm nay, người dân trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh đã tìm hiểu và lựa chọn phương thức trồng tiêu hữu cơ theo chuỗi giá trị có liên kết với doanh nghiệp. Ngoài ý nghĩa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, đem lại thu nhập ổn định, thì đây là một trong những hướng đi vững chắc trong việc duy trì và phát triển diện tích cây tiêu trên địa bàn.
Vùng trồng tiêu hữu cơ tập trung ở thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Trần Văn Hưng thông tin: “Những năm gần đây, giá hồ tiêu khô liên tục sụt giảm, khiến người trồng tiêu không còn mặn mà với loại cây trồng từng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn được xem là “vàng đen”. Nhiều hộ dân còn có ý định phá bỏ các vườn tiêu đã từng mất rất nhiều công sức chăm sóc. Từ năm 2018, với sự hợp tác từ Công ty Oganic More, chính quyền xã Vĩnh Hòa đã vận động người dân địa phương tham gia dự án trồng tiêu hữu cơ. Đến nay, xã đã quy hoạch vùng trồng tiêu hữu cơ ở thôn Hòa Bình có tổng diện tích 9 ha”.
Theo lời giới thiệu của ông Hưng, chúng tôi đến thăm vườn tiêu hữu cơ của ông Nguyễn Duy Quốc, Xóm 4, thôn Hòa Bình. Chúng tôi khá ấn tượng vì tất cả các trụ tiêu đều khỏe mạnh, xanh tốt, vươn cao tới 6 - 7 m, đường kính thân cây tiêu rộng hơn 1 m. Ngạc nhiên hơn, trong khi rất nhiều vườn tiêu của người dân trong khu vực bị ngả vàng, lay lắt vì dịch bệnh, thì vườn tiêu của ông Quốc vẫn tràn đầy sức sống.
Ông Quốc cho hay, từ năm 2017 ông đã tìm hiểu và có ý định sản xuất tiêu theo quy trình hữu cơ vì muốn cho ra đời nguồn hàng sạch, an toàn đối với sức khỏe con người. Đầu năm 2018, chính quyền địa phương và Công ty Oganic More đã có sự liên kết, giới thiệu, hướng dẫn quy trình chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ. Đặc biệt công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường nếu đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Từ đây, ý định của ông Quốc đã được hiện thực hóa. Theo lời ông Quốc, riêng năm 2022, với 7 sào tiêu hữu cơ ông thu được 7 tạ tiêu khô. Giá mua từ công ty 80 ngàn đồng/kg, ông có nguồn thu gần 60 triệu đồng. “Hiện nay, giá thu mua tiêu trên thị trường chỉ khoảng từ 60 ngàn đến 70 ngàn đồng/kg tiêu khô. Nhưng với sản phẩm tiêu hữu cơ, chúng tôi được công ty mua cao hơn 10 giá. Mặc dù chưa bằng thời điểm giá hạt tiêu đạt cao nhất nhưng nhà nông chúng tôi cũng đã yên tâm hơn, không còn phân vân giữa chăm sóc hay chặt bỏ cây tiêu như thời gian trước. Điều quan trọng là tiêu trồng theo hướng hữu cơ ít bị sâu bệnh và tuổi thọ của cây tiêu kéo dài hơn. Đối với nhiều gia đình, diện tích tiêu lớn cũng sẽ có nguồn thu nhập khá”.
Tương tự ông Quốc, bà Hồ Thị Huệ ở Xóm 3, thôn Hòa Bình cũng rất vui mừng khi 4 sào tiêu hữu cơ của gia đình bà đã cho sản lượng cao và thu nhập khá. Bà Huệ kể: “Vườn tiêu hữu cơ của nhà tôi có 3 nhóm cây. Nhóm thứ nhất trồng vào năm 2013 với khoảng 90 gốc. Nhóm thứ 2 trồng vào năm 2015 với 100 gốc. Nhóm thứ 3 trồng vào năm 2016 với 120 gốc. Từ năm 2018, khi tôi tham gia dự án thì sản lượng tiêu tăng rõ rệt. Đa phần các gốc tiêu của gia đình đều mới đưa vào khai thác, vì vậy, sản lượng tiêu đạt cao. Riêng năm 2022, tôi xuất bán hơn 7,2 tạ tiêu khô với giá 80 ngàn đồng/kg, đem về nguồn thu hơn 65 triệu đồng”.
Theo thống kê, xã Vĩnh Hòa hiện có trên 147 ha hồ tiêu. Toàn bộ diện tích hồ tiêu đều trong thời gian cho khai thác với năng suất bình quân đạt 16 tạ/ha.
Từ năm 2018, với sự liên kết trồng tiêu hữu cơ cùng Công ty Oganic More, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, Hội Nông dân xã đã trực tiếp triển khai, vận động các hộ gia đình trồng tiêu đáp ứng 2 yêu cầu của Công ty Oganic More là có diện tích trên 1.000 m2 và tiêu trồng trên 3 năm tuổi, đăng ký tham gia. Qua khảo sát, có 109 hộ dân đáp ứng đủ điều kiện đã đăng ký.Tuy nhiên quá trình thực hiện, nhiều hộ dân không chấp hành các quy trình chăm sóc cây, không cung cấp mẫu xét nghiệm hoặc mẫu xét nghiệm vẫn còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học nên đã bị loại ra khỏi mô hình. Hiện nay, mô hình tiêu hữu cơ trên địa bàn xã Vĩnh Hòa chỉ còn lại 43 hộ tham gia với tổng diện tích canh tác 9 ha.
Đối với 9 ha tiêu hữu cơ, trong năm 2022 cho sản lượng 12 tấn tiêu khô và đều được Công ty Oganic More thu mua với giá 80 ngàn đồng/ kg, cao hơn so với giá tiêu trên thị trường 10 ngàn đồng/kg. Cây tiêu cũng khỏe hơn, rất ít bệnh nhờ chăm sóc theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, mà chỉ dùng phân bón truyền thống, phân vi sinh, chế phẩm Trichoderma để chăm bón.
“Từ việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, giữ vững chất lượng là yếu tố quan trọng giúp người trồng tiêu không bị “nhấn chìm” giữa cơn “bão giá” hoành hành suốt thời gian dài, sắp tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa tiếp tục vận động người dân phát triển cây tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững, bảo đảm an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người trồng hồ tiêu. Xã Vĩnh Hòa phấn đấu đến năm 2025 mở rộng diện tích hồ tiêu hữu cơ lên 15 ha. Đồng thời, phối hợp với Hợp tác xã Kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện xây dựng sản phẩm hồ tiêu của địa phương thành sản phẩm OCOP; được chứng nhận vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm “Hạt tiêu Vĩnh Linh”, vốn nổi tiếng với hương thơm và vị cay nồng đặc trưng, rất được thị trường ưa chuộng”, ông Trần Văn Hưng thông tin thêm.
Theo Báo Quảng Trị Online