Với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM nâng cao, đến nay nhân dân xã Vĩnh Hoà đã có nhiều hướng đi phát triển kinh tế bền vững, đa dạng, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Xã Vĩnh Hoà về đích NTM năm 2016, đến nay một số tiêu chí vẫn đang được duy trì và tiếp tục nâng cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn còn gặp phải là Vĩnh Hoà là xã nông nghiệp, vì thế giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Thêm vào đó, sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh chưa cao, khó tiêu thụ, các ngành nghề manh mún, nhỏ lẻ; kinh tế trong dân còn khó khăn, nên việc huy động sức dân hạn chế.
Hàng năm Đảng bộ xã Vĩnh Hoà đã ban hành các Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế, trên cơ sở đó chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây cây con có thế mạnh ở địa phương như hồ tiêu, cao su, môn, phát triển chăn nuôi gà, lợn theo quy mô trang trại, gia trại. Cụ thể:
Trong lĩnh vực trồng trọt, xã Vĩnh Hoà đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng tích cực, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Xây dựng mô hình sản xuất tiêu sạch, tiêu hữu cơ được sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt áp dụng công nghệ mới, chuyển giao công nghệ, bảo quản nông sản sau thu hoạch cho nông dân nhằm nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng bước chuyển mới. Các hình thức nhỏ lẻ, phân tán được thay thế dần sang hình thức gia trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi thú y được quan tâm và thực hiện tốt. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cả số lượng và chất lượng, quy mô.
Các loại hình ngành nghề, dịch vụ được nhân dân đầu tư phát triển như mộc, nề, cơ khí, kinh doanh, dịch vụ; nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển, máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vận động con em tham gia xuất khẩu lao động, tham gia các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh để tăng thu nhập.
Đặc biệt, dựa trên lợi thế của địa phương, người dân đã tích cực triển khai xây dựng sản phẩm Mật ong nguyên chất Rú Lịnh thành sản phẩm đặc trưng được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, có máy lọc thô, lọc tinh, máy hạ thủy phần. Sản phẩm được chứng nhận VietGAPH, có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định, Mô hình đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phươngvà đã được chứng nhận OCOP 3 sao theo Quyết định số 3348/QĐ-UBND ngày 14/11/2023 của UBND huyện Vĩnh Linh.
Vì vậy, công tác đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ cho người nghèo luôn thực hiện tốt. Để đảm bảo tổ chức thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đề ra, công tác chỉ đạo, điều hành, khảo sát, điều tra hàng năm được cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đặc biệt quan tâm và làm một cách đúng thực chất. Đồng thời quan tâm đến các đối tượng hộ nghèo, giúp đỡ các đối tượng thoát nghèo một cách bền vững. Đến cuối năm 2023 trên địa bàn xã tỷ lệ nghèo đa chiều là 1,9%.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc xây dựng Nông thôn mới nâng cao của xã đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 57.46 triệu đồng/người. Có thể nói, quá trình xây dựng NTM nâng cao đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo.
Trần Lê