Với tư duy tạo cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp theo chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định từ vườn, dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh đã triển xây dựng mô hình vườn mẫu NTM. Sau một thời gian triển khai đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân, hướng tới mục tiêu đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống”.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình vườn mẫu ngay khi chủ trương này được triển khai, gia đình ông Trần Văn Thỉ ở thôn Linh Đơn đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, xây dựng thành công vườn cây tiêu. Vườn tiêu được gia đình trồng với diện tích 1900m2. Vườn được bố trí hợp lý, khoa học, kết nối các khu sản xuất. Sản phẩm hàng hóa từ vườn đảm bảo ATTP, vườn chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học đem lại hiệu quả và sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Tại đây, ông Thỉ đã tiến hành chăn nuôi gà thả vườn và chăn nuôi gia súc mang lại giá trị thu nhập cao cho gia đình. Ông Thỉ cho biết: “Nhờ áp dụng các biện pháp như chọn giống tốt, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, bón phân cân đối và chăm sóc hợp lý nhằm tạo tiền đề cho cây trồng sinh trưởng khỏe, có khả năng cho năng suất cao, đã tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc biệt là gà thả vườn đã đưa lại thu nhập cao cho gia đình. Ngoài ra việc ứng dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp trong trồng trọt: bón phân cân đối, hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả đã góp phần tăng hiệu quả cho cây tiêu đảm bảo an toàn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nâng cao thu nhập”. Tổng thu nhập của vườn năm 2022 đạt 67,3 triệu đồng/năm, trong đó (chăn nuôi là 37,3 triệu đồng/tổng thu nhập của vườn, chiếm 55,4%).
Qua đối chiếu với các quy định về xây dựng vườn đạt chuẩn NTM, tính đến tháng 11/2022, vườn tiêu của gia đình ông Thỉ đã đạt 5/5 tiêu chí, 10/10 chỉ tiêu và được UBND huyện Vĩnh Linh công nhận là vườn mẫu.
Cùng với vườn tiêu của gia đình ông Thỉ, trên địa bàn xã Vĩnh Hòa còn có vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Xuân Hiển ở Xóm 3- Đơn Duệ. Theo đó, khu vườn của gia đình ông được quy hoạch với diện tích 1100m2., Vườn được bố trí hợp lý, khoa học; kết nối các khu sản xuất; Có rảnh thoát nước, không lầy lội vào mùa mưa. Có hàng rào bê tông và lưới bao quanh. Do đặc trưng của vùng đất ở đây có độ ẩm cao, đảm bảo đủ điều kiện cho cây sinh trưởng nên không cần lắp đặt hệ thống tưới. Tại vườn đang áp dụng biện pháp IPM (Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp). Đây là một trong số các chương trình có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng bền vững, vừa tăng hiệu quả sản xuất vừa đảm bảo an toàn với người sản xuất và người tiêu dùng. Nhờ áp dụng các biện pháp IPM vào sản xuất như: Chọn giống tốt, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, bón phân cân đối và chăm sóc hợp lý nhằm tạo tiền đề cho cây trồng sinh trưởng khỏe, có khả năng cho năng suất cao, đã tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.Tổng giá trị thu nhập trồng trọt của vườn 79,5 triệu đồng, trong đó sản phẩm chủ lực là cây ổi năm 2022 đạt 75 triệu đồng chiếm 50,8% trên tổng giá trị của vườn. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi gia súc, gia cầm (bò, lợn, gà, chó…) với thu nhập từ chăn nuôi đạt 68,1 triệu đồng, mang lại giá trị thu nhập cao cho gia đình. Các hoạt động sản xuất trong vườn không gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và các hộ gia đình xung quanh. Có rảnh thoát nước đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường; chất thải rắn hộ gia đình được phân loại trước khi tập kết tại điểm thu gom rác thải. Vườn có hàng rào được bê tông bao quanh đảm bảo mỹ quan, xanh, sạch, đẹp phù hợp với đặc trung của nông thôn.
Có thể thấy, việc ứng dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp trong sản xuất: bón phân cân đối, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả đã góp phần tăng hiệu quả cho cây ổi đảm bảo an toàn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nâng cao thu nhập. Chính nhờ đó, tổng thu nhập của vườn năm 2022 đạt 147,6 triệu đồng/năm, trong đó (cây ổi 75 triệu đồng chiếm 50,8%/ tổng giá trị của vườn).
Các vườn mẫu NTM sẽ được xét trên 5 tiêu chí với 10 chỉ tiêu, gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường cảnh quan; thu nhập. Và việc xây dựng vườn mẫu có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao thu nhập, xây dựng môi trường sống nông thôn lành mạnh. Qua khảo sát trên địa bàn xã có khoảng 3 vườn của hộ gia đình có khả năng xây dựng thành vườn mẫu. Chính vì vậy, địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích bà con chuyển những diện tích đất vườn sản xuất kém hiệu quả, sang xây dựng vườn mẫu với những loại cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao gắn liền với sử dụng khoa học kỹ thuật để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, vừa tạo cảnh quan môi trường, hướng tới mục tiêu đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống”.
Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và sự đồng hành của người dân, tin tưởng rằng các mô hình vườn mẫu NTM ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung sẽ tiếp tục được nhân rộng, tạo sức lan tỏa để nâng cao thu nhập cho người dân và tạo cảnh quan khởi sắc cho các làng quê.
Trần Lê