Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.
Trong cuộc sống hàng ngày việc liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan., các bệnh về da là một yếu tố rất quan trọng bởi vệ sinh môi trường gắn liền với cuộc sống con người. Con người sẽ không có sức khoẻ và hạnh phúc nếu thiếu nước sạch và môi trường không tốt. Vì vậy để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường chúng ta cần biết:
* Đối với nước sạch:
- Nước sạch phải là nước trong, không màu, không mùi, không vị lạ, không gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh, không chứa các chất độc hại.
- Nước được lấy từ bất cứ nguồn nào cho dù đã qua xử lý trước khi uống cũng phải đun sôi, tuyệt đối không uống nước lã.
- Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận vì vậy mọi người phải có ý thức khai thác bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch.
* Đối với vệ sinh môi trường
- Phải giữ gìn sạch sẽ nguồn nước và khu vực xung quanh, không đổ rác và xây nhà vệ sinh gần nguồn nước, phải thu gom rác phân gia súc để ủ chôn hoặc đốt.
- Phân loại và thu gom rác thải vô cơ vào nơi quy định hoặc bán phế liệu để tái chế xử lý. Vỏ hộp và chai lọ để hóa chất bảo vệ thực vật phải chôn đúng nơi quy định. Thu gom và xử lý rác hữu cơ bằng cách quét dọn nhà cửa hàng ngày. Khi có động vật chết phải chôn sâu bằng vôi bột.
- Thu gom và xử lý rác thải hợp vệ sinh và đúng nơi quy định.
- Ruồi nhặng và chuột thường sinh sống tại những đống rác thải, đặc biệt là những nơi có thức ăn thừa, rau và xác súc vật.
- Vứt rác thải và xác súc vật xuống ao, suối, hồ gây ô nhiễm nguồn nước.
* Một số biện pháp giữ gìn, bảo vệ nguồn nước
1. Giữ sạch nguồn nước: Không chăn thả gia súc - đổ rác gần nguồn nước, không phóng uế bậy, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.
2. Tiết kiệm nước: Giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt như: tắt vòi nước khi đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo tại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây,...
3. Xử lý phân người: Ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại cầu tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, bán tự hoại, hai ngăn, thấm dội nước)
4. Xử lý phân gia súc, động vật: Cần có kế hoạch thu gom với hố ủ hợp vệ sinh, chuồng trại cách xa nguồn nước theo quy định vệ sinh, không có nền thấm nước.
5. Xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải khác: Cần có phương tiện chứa rác có nắp đậy kín, đủ sức chứa nhất là rác hữu cơ ở gia đình, khu tập thể cũng như ở nơi công cộng đồng thời có biện pháp xử lý hợp vệ sinh không gây ô nhiễm nguồn nước.
6. Xử lý nước thải: Cần có hệ thống xử lý nước thải do sinh hoạt (cống ngầm kín) rồi đổ ra hệ thống cống chung, đồng ruộng hoặc sông sau khi đã được xử lý chung hoặc riêng. Nước thải công nghiệp, y tế phải xử lý theo quy định môi trường trước khi thải ra cộng đồng.
Việc cung cấp nước sạch và đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe của con người. Bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ góp phần khống chế được 80% bệnh tật. Bảo vệ môi trường sống để phát triển bền vững phải luôn được thực hiện bằng việc bảo đảm nguồn nước sạch và làm tốt vệ sinh môi trường ở mỗi địa phương.
Nguồn: Trạm Y tế xã Vĩnh Hoà