Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Hòa - Vĩnh Linh

Tin hoạt động

Tình hình bệnh sởi tại Vĩnh Linh


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  12/03/2025

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch bệnh này tại nhiều khu vực trên thế giới.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2024, cả nước đã ghi nhận 45.758 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi, trong đó có 7.838 trường hợp dương tính và 16 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.

Tại khu vực Miền Trung, bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2025. Tính đến ngày 16/02/2025, khu vực này ghi nhận 4.133 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi, trong đó có 512 trường hợp được xác định dương tính với virus sởi.

Riêng tại tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến ngày 24/02/2025, ghi nhận 22 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi, với các ca phân bố tại các huyện Đakrông (5 ca), Triệu Phong (2 ca), Đông Hà (4 ca), Hải Lăng (2 ca), Vĩnh Linh (2 ca), Cam Lộ (5 ca), Gio Linh (2 ca). Trong số này, 8 trường hợp đã được xác định dương tính với sởi qua kết quả xét nghiệm.

Qua điều tra dịch tễ, 8 ca mắc sởi xác định chủ yếu phân bố tại 5/10 huyện, thị xã, thành phố, bao gồm Đakrông (2 ca), Hải Lăng (2 ca), Triệu Phong (2 ca), Gio Linh (1 ca) và Vĩnh Linh (1 ca). Đặc biệt, có 3 trong số 8 ca mắc sởi đã được xác định dương tính có nguồn lây nhiễm từ địa phương khác. Các ca mắc sởi chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 5 tháng đến 13 tuổi, trong đó có 4 trường hợp dưới 9 tháng tuổi, chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin sởi. Một trường hợp 7 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi, còn 3 trường hợp từ 11 đến 13 tuổi có lịch sử tiêm chủng không rõ ràng.

Tại huyện Vĩnh Linh, tính đến ngày 26/2/2025, đã ghi nhận 4 trường hợp, trong đó 1 ca xác định dương tính với sởi tại xã Vĩnh Lâm, cùng với 3 ca sốt phát ban nghi mắc sởi tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Giang và Trung Nam. Từ 27/2/2025 đến 3/3/2025 chưa ghi nhận thêm ca mắc sởi ở huyện.

 

 

Đánh giá tình hình

Việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong giai đoạn 2022-2023 đã làm giảm tỷ lệ tiêm chủng, dẫn đến nhiều trẻ em chưa được tiêm đủ mũi vắc xin sởi. Đây là yếu tố nguy cơ lớn có thể gây ra sự bùng phát dịch bệnh sởi trong thời gian tới. Vì vậy, việc nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, là vô cùng quan trọng.

Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, giám sát dịch bệnh và tuyên truyền để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan và ngăn chặn dịch bệnh sởi lan rộng.

Một số thông tin người dân cần lưu ý để phòng chống bệnh sởi

1. Đường lây truyền của bệnh sởi

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh.

2. Triệu chứng của bệnh sởi

Đối với thể điển hình:

Giai đoạn ủ bệnh: từ 7-21 ngày.

Giai đoạn khởi phát: Từ 2-4 ngày với các biểu hiện sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má. Giai đoạn toàn phát: thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì tan biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện.

Ở thể không điển hình: Biểu hiện có thể chỉ có sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.

3. Biến chứng của bệnh

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, bùng phát lao tiềm ẩn, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

4. Cách phòng tránh bệnh

- Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Trẻ nhỏ: tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Đối tượng khác nếu chưa được tiêm vắc xin sởi trước đó cần tiêm 1 mũi, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi.

- Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.

- Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

- Nâng cao sức đề kháng cơ thể, bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam và khoáng chất. Uống đầy đủ nước mỗi ngày.

“Việc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa và tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi bệnh sởi”.

 

Nguồn: Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh

CÁC TIN KHÁC
Hội LHPN xã Vĩnh Hoà sôi nổi các hoạt động chào mừng kỉ niệm 115 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (8/3/1910-8/32025). (10/03/2025)
Gặp mặt công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân năm 2025 và quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự. (12/02/2025)
Khai mạc giải cờ tướng mừng Đảng – mừng Xuân Ất Tỵ 2025. (07/02/2025)
Vĩnh Hoà: Tổ chức giải bóng chuyền nam mừng Đảng - mừng xuân Ất Tỵ 2025. (07/02/2025)
Thăm đồng đánh giá sự sinh trưởng cây lúa vụ Đông Xuân 2024 -2025. (06/02/2025)
Tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 (22/01/2025)
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (20/01/2025)
HĐND xã Vĩnh Hòa tổ chức kỳ họp thứ 11 khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. (09/01/2025)
Đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện Vĩnh Linh tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Hòa (27/12/2024)
Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. (27/12/2024)

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH