Hiện nay, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã sinh trưởng và phát triển khá tốt. Các vườn có tỷ lệ đậu quả nhiều và đồng đều. Tuy nhiên, các đối tượng sâu bệnh phổ biến tiếp tục phát triển tại các vườn như: Bệnh chết nhanh, Bệnh chết chậm, Tuyến trùng rễ, Rệp vảy gây hại cục bộ tại nhiều vườn, thời tiết khô nóng là điều kiện thuận lợi cho đối tượng này phát triển mạnh và gây hại nặng. Đối với diện tích cây ăn quả chủ yếu như cam, bưởi, thanh long, bơ, mít đang phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên trên cây ăn quả có múi, bơ năm nay tỷ lệ ra hoa đậu quả thấp do thời điểm cây ra hoa gặp thời tiết bất thuận, chệnh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, kèm sương mù vào sáng sớm gây ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, thụ tinh thụ phấn. Hiện nay, các đối tượng sâu bệnh hại lá như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nứt thân xì mủ tiếp tục gây hại cục bộ tại các vườn. Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Quảng Trị, trong t4 - t6/2024, nắng nóng xuất hiện và gia tăng về cường độ. Đây là một nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá do thiếu nước và một số đối tượng sâu hại phát triển mạnh trong mùa khô như rệp vảy, rệp sáp hại hồ tiêu, nhện đỏ hại cây ăn quả có múi nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời. Để thực hiện tốt việc chăm sóc và phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu và cây ăn quả trong thời gian tới góp phần bảo vệ năng suất, sản lượng năm 2024 cũng như giúp cây trồng phát triển bền vững. UBND xã đề nghị bà con thực hiện một số biện pháp sau: * Chăm sóc vườn hồ tiêu: Chú trọng công tác vệ sinh vườn thông thoáng, giữ ẩm cho vườn, che tủ gốc để hạn chế bốc hơi nước, tưới nước hợp lý. Thường xuyên kiểm tra vườn tiêu để phát hiện sớm dịch hại. Thu gom tàn dư cây bị bệnh ra khỏi vườn tiêu hủy, xử lý đất tại gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Ưu tiên công tác phòng bệnh: tiến hành phun phòng bệnh bằng các chế phẩm như Tricoderma, thuốc có hoạt chất Matalaxyl, Mancozeb, Phosphorous acid ... trong thuốc Agriphos, Ridomil, Aliette, Mataxyl... Lưu ý đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV Đối với vườn trồng mới: Cần tăng cường bón các loại phân hữu cơ hoai mục được ủ với chế phẩm Tricoderma và đảm bảo cân đối giữa các hàm lượng dinh dưỡng. Chuẩn bị các phương án che nắng cho vườn. Thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại mầm non như rệp muội, câu cấu, ốc sên, bệnh thán thư... để tiến hành xử lý kịp thời. Đối với vườn đã có cây bị nhiễm bệnh chết nhanh (Triệu chứng: cây có màu xanh tái, lá héo và rụng nhanh trong thời gian ngắn) thì khẩn trương rải vôi vào gốc cây nhiễm bệnh với lượng 1 đến 2kg trên 1 gốc, đồng thời sử dụng chế phẩmTricoderma hoặc thuốc có hoạt chất Matalaxyl, Mancozeb, Phosphorous acid ... tưới và phun lên các cây xung quanh và tiến hành lặp lại lần 2 sau lần 1 từ 10-15 ngày.Đối với vườn có hiện tượng chết chậm (Triệu chứng: cây bị vàng lá, phiến lá nhìn dày hơn, cây bị nặng có hiện tượng rụng đốt, rụng lá...): Có thể sử dụng chế phẩm Tricoderma rải (tưới) vào gốc hoặc sử dụng chế phẩm Agriphos, Ridomil, Aliette, Mataxyl...có kết hợp với kích thích rễ để tưới hoặc phân bón qua lá để phun, thực hiện lặp lại 2-3 lần cách nhau 10-15 ngày tùy theo tình hình của cây trồng. Đối với tuyến trùng rễ (Triệu chứng: cây phát triển còi cọc, không thấy mầm non, thân cây không bám vào gốc choái, phiến lá nhỏ): Sử dụng Map Logic để xử lý 1kg thuốc dùng 20- 30 gốc hoặc sử dụng Tervigo 020SC để tưới vào gốc. Đối với rệp vảy: Sử thuốc có hoạt chất Thiamethoxam, Imdacloprid đểphòng trừ triệt để. Ngoài ra theo dõi thêm một số đối tượng như rệp mềm, rệp sáp, nhện đỏ... gây hại trong điều kiện khô hạn. * Chăm sóc vườn cây ăn quả: Chú ý khâu giữ ẩm cho vườn, tăng cường che tủ gốc và bổ sung nước kịp thời.Do tỷ lệ đậu quả thấp nên cần tập trung các giải pháp dinh dưỡng để bảo vệ năng suất cho cây như bón phân hữu cơ, cân đối thành phần N-P-K và sử dụng các loại phân bón qua lá có hàm lượng Kali, Canxi, Bo ... và thành phần vi lượng khác để cây phát triển tốt, nuôi quả thuận lợi. Thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên vườn cây ăn quả có múi: nhện đỏ, sâu vẽ bùa, bệnh nứt thân xì mũ...; Trên vườn thanh long: thán thư, đốm nâu ...; Trên vườn bờ: Bọ xít muỗi, rầy rệp chích hút lá non, quả non...; để phòng trừ kịp thời. Ưu tiên các giải pháp hữu cơ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây ăn quả như sử dụng chế phẩm Tricoderma trong phòng trừ bệnh, các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học. Trên đây là một số biện pháp phòng và chăm sóc trên cây hồ tiêu và cây ăn quả, bà con nhân dân trong toàn xã hãy tăng cường công tác chăm sóc, quản lý sâu bệnh và thực hiện triệt để các giải pháp trên để góp phần bảo vệ năng suất, sản lượng hồ tiêu và cây ăn quả năm 2024. Nguồn: Khuyến nông Vĩnh Hoà |